Viêm họng mạn tính

Tìm hiểu chung

Viêm họng mạn tính là gì?

Viêm họng mạn tính là viêm mạn tính niêm mạc họng gây cảm giác vướng víu, ngứa rát trong họng, ho và khạc đờm (quánh dính hoặc trắng nhầy) thường xuyên.

Viêm họng mạn tính thường chung với bệnh viêm mũi, xoang mạn tính, viêm thanh, khí phế quản mạn tính. Bệnh thể hiện ở 3 hình thức: xuất tiết, quá phát và teo.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm họng mạn tính

Người mắc bệnh viêm họng mạn tính có những dấu hiệu cơ năng như:

  • Cảm thấy khô họng, nóng rát trong họng hoặc có cảm giác ngứa họng;
  • Khi ngủ dậy có cảm giác vướng họng, phải cố khạc đờm, đằng hắng để làm long đờm; đờm dẻo và đặc thường tăng lên khi nuốt;
  • Ho nhiều vào đêm, nuốt hơi nghẹn, tiếng dễ bị khàn.

Bệnh viêm họng mạn tính gồm 4 thể, mỗi thể bệnh có một triệu chứng khác nhau:

  • Viêm họng mạn tính sung huyết đơn thuần: Người bệnh có dấu hiệu niêm mạc họng đỏ, nổi nhiều tia mao mạch máu.
  • Viêm họng mạn tính xuất tiết: Thành sau họng tăng xuất tiết nhầy, trong, hơi dính vào niêm mạc, chảy từ vòm xuống hạ họng, tạm mất đi khi bệnh nhân nuốt. Niêm mạc họng đỏ và nổi nhiều tia mao mạch máu.
  • Viêm họng mạn tính quá phát: Niêm mạc họng đỏ và dày lên. Tổ chức bạch huyết ở thành sau họng phát triển mạnh, quá phát thành từng đám to nhỏ không đều, có màu hồng hoặc đỏ. Có khi tập trung thành một dải gồ lên ở phía sau và dọc theo trụ sau của amidan trông như một trụ sau thứ hai gọi là ‘trụ giả’.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm họng mạn tính

Bệnh viêm họng mạn tính do những nguyên nhân sau:

  • Do nhiễm khuẩn tái phát đi tái phát lại của vùng mũi họng.
  • Tiếp xúc trực tiếp với ô nhiễm môi trường, khói bụi, khói công nghiệp, khói thuốc lá,… trong thời gian dài.
  • Người có tiền sử bệnh viêm amidan mạn tính và nhiễm trùng răng lợi gây đau họng.
  • Thói quen thở bằng miệng khiến cho không khí không được lọc sạch bụi, vi khuẩn đi trực tiếp vào khoang miệng dễ khiến họng bị nhiễm khuẩn.
  • Sức đề kháng, miễn dịch kém, yếu tố cơ địa, dị ứng, suy gan, tiểu đường.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ viêm họng mạn tính?

Bệnh viêm họng mạn tính xảy ra đối với  nhiều người, nhiều lứa tuổi đặc biệt đối với người có sức đề kháng yếu, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, bụi bẩn, ô nhiễm, người có tiền sử viêm amidan mạn tính, bệnh về tiểu đường, suy gan,…


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm họng mạn tính

  • Chẩn đoán qua các triệu chứng, biểu hiện bệnh.
  • Xét nghiệm cận lâm sàng qua máu, chụp X-quang.
  • Xác định hội chứng trào ngược: nội soi thực quản dạ dày.
  • Chẩn đoán phân biệt để so sánh, tránh nhầm lẫn với bệnh khác.

Phương pháp điều trị viêm họng mạn tính hiệu quả

Điều trị bệnh viêm họng mạn tính bằng nhiều cách:

  • Điều trị nguyên nhân gây bệnh: Giải quyết các ổ viêm tiềm tàng ở mũi, xoang (viêm xoang sau), viêm amidan.
  • Giúp lưu thông mũi do dị hình vách ngăn, polyp mũi, thoái hoá cuốn mũi dưới…
  • Ngăn chặn, tránh sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia,… tránh tiếp xúc với luồng không khí ô nhiễm như bụi, hoá chất, khói,…
  • Giải quyết yếu tố cơ địa, tăng sức đề kháng, chăm sóc sức khỏe tốt.
  • Điều trị bệnh tại chỗ:

Giai đoạn xuất tiết:

  • Súc miệng, họng bằng dung dịch kiềm như: BBM, nước muối nhạt.
  • Bôi và chấm họng bằng glycerin borat 3% (theo chỉ định của bác sĩ).
  • Khí dung họng: Hydrocortison và kháng sinh.
  • Nếu họng có nhiều nhầy dính ở thành sau họng thì rửa bằng dung dịch Borat natri 1% cho hết vẩy, bôi họng và khí dung.
  • Giai đoạn quá phát: điều trị bằng đốt điện nóng, cao tần hoặc đốt bằng nitơ lỏng hay laser CO2.

Giai đoạn teo: Bôi glycerin i-ốt 0,5% hoặc mỡ thuỷ ngân 1%.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm họng mạn tính

Bạn nên có một kế hoạch phòng bệnh khoa học để tránh sự xâm nhập của nguồn bệnh như:

  • Tránh tiếp xúc bụi và hoá chất bằng cách đeo khẩu trang bảo hộ.
  • Vệ sinh họng bằng nước muối ấm hay dung dịch kiềm ấm.
  • Chế độ ăn uống điều độ, đủ chất, bổ sung các vitamin A, D, uống nước suối, nước khoáng.
  • Tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ hoạt động khoa học, tập thể dục thường xuyên.
  • Tránh tiếp xúc với mầm bệnh.
  • Hạn chế sử dụng thuốc lá, bia rượu.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan