Viêm mủ nội nhãn

Tìm hiểu chung

Viêm mủ nội nhãn là gì?

Viêm mủ nội nhãn là bệnh do các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc chấn thương làm phá hủy toàn bộ cấu trúc của mắt như võng mạc, dịch kính, hắc mặc,… Viêm mủ nội nhãn thường gặp ở người trẻ trong độ tuổi lao động. Bệnh gây viêm, đau, trong trường hợp xấu có thể dẫn đến mất thị lực nếu không được điều trị sớm.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mủ nội nhãn

Viêm mũ nội nhãn được chia thành hai loại:

  • Viêm mủ nội nhãn nội sinh: Các tác nhân gây bệnh theo đường máu dẫn đến mắt.
  • Viêm mủ nội nhãn ngoại sinh: Tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào mắt.

Triệu chứng của viêm mủ nội nhãn tùy thuộc vào sự phát triển của bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Một số triệu chứng cơ bản của bệnh có thể được nhận biết bao gồm:

  • Đau nhức mắt, nhất là khi chuyển động mắt;
  • Đỏ mắt;
  • Chảy nước mắt;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Mí mắt sưng;
  • Luôn thấy có một đốm nhỏ lơ lửng trước mắt;
  • Giảm thị lực.

Những triệu chứng trên đặc biệt dễ có ở người bị viêm mủ nội nhãn do vi khuẩn xâm nhập dạng cấp tính. Ở những trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến viêm toàn bộ nhãn cầu.

Với viêm mủ nội nhãn do nấm gây ra, bệnh phát triển âm thầm nên rất khó để nhận biết các triệu chứng.

Với hiện tượng viêm mủ nội nhãn nội sinh, ổ viêm nhiễm đầu tiên thường xuất hiện thường là nhiễm khuẩn tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt, viêm nội tâm mạc, viêm đường tiết niệu…; kèm theo có thể sốt cao, đau đầu, giảm cân và suy kiệt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vì viêm mủ nội nhãn vô cùng nguy hiểm, ngay cả khi được điều trị tích cực vẫn có khả năng ảnh hưởng lâu dài đến mất thị lực, teo nhãn cầu hoặc thậm chí phải loại bỏ nhãn cầu nên khi bạn phát hiện ra một trong các triệu chứng bên trên hoặc gặp bất cứ vấn đề gì làm mắt khó chịu, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ. Việc điều trị kịp thời là cơ hội để bạn giữ lại thị lực của mình.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm mủ nội nhãn

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do các loại khuẩn, virus, ký sùng và nấm, có thể bao gồm:

  • Vi khuẩn tụ cầu vàng (thường đầu tiên gây viêm da), liên cầu,  khuẩn E. coli, các loại vi khuẩn viêm màng não, trực khuẩn mủ xanh…
  • Virus cúm.
  • Nấm Candida Albicans (chiếm 75 – 80% viêm nội nhãn do nấm) thường xuất hiện ở bệnh nhân AIDS, Aspegillos hay gặp ở bệnh nhân nghiện, tiêm chích theo đường tĩnh mạch.
  • Ngoài ra, còn có thể do Cryptococcus, Torulopsis…

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ viêm mủ nội nhãn?

Đối tượng mắc bệnh thường là người ở tuổi vị thành niên, đang trong độ tuổi lao động.

Nam giới có khả năng mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.

Bệnh có thể xảy ra ở cả hai mắt

Với những người gặp chấn thương ở mắt hoặc sau khi làm phẫu thuật, khả năng bị viêm mủ nội nhãn cũng sẽ tăng cao hơn so với người khác.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm mủ nội nhãn

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua bệnh sử của bạn và xem xét các biểu hiện lâm sàng ở khu vực mắt bị tổn thương. Các xét nghiệm có thể kết hợp để hỗ trợ chẩn đoán là chụp cộng hưởng MRI, siêu âm để kiểm tra toàn bộ cấu trúc vùng mắt và phát hiện những tổn tương bên trong.

Phương pháp điều trị viêm mủ nội nhãn hiệu quả

Sau khi chẩn đoán bệnh và xác định mức độ tiến triển của bệnh, bệnh nhân sẽ được tiến hành điều trị ngay lập tức vì đây là một trong những bệnh cực kì nguy hiểm trong nhãn khoa.

Bác sĩ sẽ tiến hành trích dịch trong mắt để làm xét nghiệm tìm ra tác nhân gây bệnh. Một lượng kháng sinh sẽ được tiêm vào ngay lập tức; kết hợp với thuốc kháng viêm toàn thân và tra vào mắt, cộng với thuốc giãn đồng tử.

Khi các loại kháng sinh, kháng viêm đáp ứng kém, bác sĩ có thể áp dụng biện pháp cắt bỏ khối mủ (dịch kính) trong mắt.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm mủ nội nhãn

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Đây là bệnh rất nặng về mắt, đôi khi điều trị cũng không hẳn mang lại kết quả như mong muốn. Vì vậy, phòng ngừa là cách tốt nhất. Bạn nên:

  • Đi khám mắt định kỳ từ 1 – 2 lần/1 năm.
  • Ngay khi có những biểu hiện bất thường, đặc biệt là đau mắt, mắt mờ,… bạn nên đến bác sĩ để được kiểm tra.
  • Bạn nên đến các cơ sở ý tế chuyên khoa mắt vì ở những nơi khám bệnh không có chuyên khoa, việc xét nghiệm và chẩn đoán bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan