Viêm tai giữa

Tìm hiểu chung

Viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa là một nhóm bệnh lý ở giữa tai, là tình trạng viêm toàn bộ hòm nhĩ và màng nhĩ. Bệnh tiến triển trong vòng 3 tuần với các triệu chứng như sốt, đau tai, màng nhĩ đỏ. Viêm tai giữa thường gặp ở trẻ em nhưng không phải hiếm gặp ở người lớn.

Viêm tai giữa có 2 dạng chính:

  • Viêm tai giữa cấp tính: Là nhiễm trùng khởi phát đột ngột với triệu chứng đau tai. Nếu không điều trị bệnh kịp thời sẽ dẫn đến viêm tai giữa mạn tính với các biểu hiện chảy mủ ra lỗ tai tái phát nhiều đợt.
  • Viêm tai giữa có dịch tiết: Không có triệu chứng cơ năng chỉ điểm, bệnh nhân có biểu hiện nặng tai, tai giữa nhìn thấy dịch không nhiễm trùng trong hơn ba tháng.

Bệnh viêm tai giữa nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như mất khả năng thính lực, khiếm thính và nhiều biến chứng nguy hiểm.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tai giữa

Viêm tai giữa đối với trẻ em thường có các triệu chứng sau:

  • Trẻ thường có dấu hiệu sốt cao 39 – 40 độ C, quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, co giật.
  • Trẻ kêu đau tai kèm biểu hiện lắc đầu, lấy tay dụi vào tai.
  • Rối loạn tiêu hóa, đi ngoài lỏng, nhiều lần kèm sốt.

Trẻ em có những dấu hiệu sốt bất thường, tiêu chảy nên kịp thời tới cơ sở y tế, bác sĩ để kiểm tra, điều trị sớm.

Viêm tai giữa ở người lớn có những dấu hiệu sau:

  • Khả năng nghe kém, thường than phiền có cảm giác đầy tai (có khi xuất hiện trước khi phát hiện có dịch trong tai giữa).
  • Ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Mặc khác, nếu không được điều trị kịp thời, sau vài ngày bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn vỡ mủ do màn tai bị thủng, mủ tự chảy ra ngoài qua lỗ tai với các triệu chứng giống như đã khỏi như trẻ đỡ sốt, bớt quấy khóc, ăn được, ngủ được, tiêu hóa tốt, không kêu đau nhưng đang chuyển sang giai đoạn chảy mủ tai, đây là giai đoạn bệnh viêm tai mạn tính, viêm tai xương chũm mạn tính. Đây là bệnh lý rất nguy hiểm, để lại hậu quả xấu cho tương lai của trẻ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi trẻ hoặc người lớn có bất kỳ các triệu chứng trên thì hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm tai xương chũm cấp, thủng màng nhĩ hoặc viêm tai giữa mạn tính, liệt mặt, nghe kém hoặc điếc có thể ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ.
  • Trẻ nhỏ dễ xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm.
  • Biển chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, áp-xe não, áp-xe ngoài màng cứng, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên… dễ gây tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa

Bệnh viêm tai giữa do các nguyên nhân sau đây:

  • Do sự xâm nhập của vi khuẩn và virus.
  • Do tắc vòi nhĩ, thường gặp do sùi, u ở vòm họng, do viêm mũi xoang mủ.
  • Do viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh lý trào ngược, không khí ô nhiễm, thay đổi khí hậu, thời tiết lạnh.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị viêm tai giữa?

Bệnh viêm tai giữa là bệnh lý thường mắc ở nhiều người, nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ em là lứa tuổi dễ mắc bệnh khi cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh; người thường xuyên bơi lội, vệ sinh tai không dúng cách.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tai giữa

Chuẩn đoán bệnh qua các triệu chứng, biểu hiện bệnh; bác sĩ tiến hàng khám, soi tai để quan sát mức độ bệnh.

Dấu hiệu sau khi khám bằng trực quan qua soi tai màng nhĩ:

  • Màng nhĩ có biểu hiện đỏ, sung huyết giai đoạn đầu.
  • Màng nhĩ có thể phồng và lớp thượng bì có thể trông giống như bị phỏng.
  • Bệnh nhân thường giảm sốt và bớt đau tai, dịch tai chảy ra thường là mủ, cũng có khi giống như nước hoặc có máu.
  • Làm sạch mủ sẽ thấy màng nhĩ bị thủng ở vị trí phía sau hoặc phía dưới.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện một số xét nghiệm như Tympanometry, Acoustic , Tympanocentesis. Một số trường hợp có thể kiểm tra chất lỏng, dịch trong tai.

Phương pháp điều trị viêm tai giữa hiệu quả

Tùy vào giai đoạn phát triển của bệnh mà sẽ có những phương án điều trị cụ thể, tốt nhất. Bệnh nhân thường sẽ điều trị bằng:

  • Thuốc kháng sinh, kháng viêm hoặc thuốc nhỏ tai. Dùng kháng sinh sẽ thuyên giảm bệnh trong 48 giờ.
  • Thủng màng nhĩ hay có mủ sẽ tiến hành vệ sinh tai, rửa tai mỗi ngày.
  • Tiến hành chích, rạch màng nhĩ hay đặt ống thông nhĩ khi gặp các biến chứng về tụ mủ ở xương thái dương nhằm dẫn lưu mủ lâu hơn.
  • Đặt ống thông nhĩ khi viêm tai giữa cấp tái phát nhiều lần.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện biến chứng nên nhanh chóng nhập viện điều trị tích cực và thường phải can thiệp phẫu thuật.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tai giữa

  • Theo dõi và đều trị kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bệnh bất thường.
  • Cho trẻ hay bị viêm tai nạo VA để ngăn ngừa bệnh tái phát.
  • Theo dõi trẻ khi trẻ mắc cảm cúm, nhiễm siêu vi nhằm có biện pháp điều trị viêm mũi họng, vệ sinh mũi thông thoáng, sạch sẽ giúp ngừa bệnh viêm tai.
  • Vệ sinh mũi họng, tai sau khi đi tắm hồ bơi, biển để ngừa vi khuẩn, virus gây bệnh.
  • Không tự ý nhỏ thuốc hay thổi thuốc vào tai.
  • Hỉ mũi khoa học, đúng cách bằng việc bịt lỗ mũi bên này hỉ mũi bên kia nhẹ nhàng, không nên xì mạnh cả 2 mũi tránh đưa vi khuẩn xâm nhập cơ thể, nhất là ngừa vi khuẩn phế cầu, Streptococcus pneumoniae.
  • Tuyệt đối không cho trẻ nằm bú bình.
  • Vệ sinh nhà ở, môi trường xung quanh sạch sẽ.
  • Thực hiện chế độ ăn đủ chất.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan