Viêm VA

Tìm hiểu chung

Viêm VA là gì?

VA là từ viết tắt của Végétations Adénoides theo tiếng Pháp. Đây là tổ chức bạch huyết hình tam giác nằm trong lớp dưới niêm mạc của nóc vòm và thành sau của vòm mũi họng, phía trên lưỡi gà và sau mũi. Chỉ có thể nhìn thấy VA bằng gương chuyên dụng hay các dụng cụ được đưa qua mũi. VA gồm các tế bào lymphô tập trung lại và có chức năng tạo kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh khi chúng xâm nhập vào cơ thể qua ngã mũi hầu. Trẻ em mới sinh ra đã có VA và phát triển mạnh từ 1- 5 tuổi, đến 13 – 14 tuổi thì teo dần, một số người lớn thì sót lại. VA có chức năng giúp cơ thể tạo nên miễn dịch.

Viêm VA hay còn gọi là bệnh sùi vòm mũi họng là một loại bệnh tai mũi họng hay gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, hiếm xuất hiện ở người lớn. Bệnh gây cản trở đến việc hít thở không khí.

Viêm VA có 2 dạng là viêm VA cấp tính và viêm VA mạn tính:

  • Viêm VA cấp tính: Chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
  • Viêm VA mãn tính: Tình trạng VA quá phát hoặc VA bị xơ hóa sau nhiều lần viêm VA cấp tính tái phát.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm VA

Viêm VA cấp tính sẽ có những triệu chứng sau:

  • Sốt cao 41 độ C;
  • Co thắt thanh môn;
  • Co giật;
  • Đau tai;
  • Ngạt mũi, nhịp thở không đều;
  • Hốc mũi nhiều mủ nhầy;
  • Niêm mạc đỏ, có một lớp nhầy trắng, vàng phủ trên niêm mạc thành sau họng.

Những triệu chứng này nếu không được điều trị kịp thời, về lâu dài gây viêm VA mãn tính kèm những dấu hiệu nguy hiểm sau:

  • Sốt vặt;
  • Người gầy, da xanh do kém ăn;
  • Ngạt mũi tăng dần;
  • Mũi tiết nhầy, chảy ra ở cửa mũi trước;
  • Ho khan;
  • Tai nghe kém và hay bị viêm tai;
  • Ngủ không yên giấc, ngáy to;
  • Răng mọc lệch;
  • Môi trên bị kéo xếch lên, môi dưới dài thõng.

Biến chứng có thể gặp khi bị viêm VA

Những biến chứng nguy hiểm sau:

  • Viêm thanh khí phế quản: VA có thể gây nên những cơn khó thở đột ngột, dữ dội về đêm và kèm theo cơn hen xuất hiện mau hơn và nặng hơn.
  • Viêm tai giữa: Vi khuẩn theo vòi Eustachi vào hòm nhĩ.
  • Viêm đường tiêu hoá: Đau bụng đi ngoài ra nhầy, nước.
  • Viêm hạch gây áp-xe như hạch Gillette.
  • Thấp khớp cấp.
  • Viêm cầu thận cấp.
  • Viêm ổ mắt: Viêm màng tiếp hợp, viêm mi mắt, chảy nước mắt.
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể: Cơ thể bị biến dạng, lồng ngực bị dẹp và hẹp bề ngang, lưng cong hoặc gù, bụng ỏng đít teo. Luôn mệt mỏi lười biếng, buồn ngủ, kém thông minh.
  • Khi trẻ sốt cao 40 – 410C, thường kèm theo những hiện tượng phản ứng dữ dội như: co thắt thanh môn, co giật hoặc thanh quản co thắt, đau tai và có khi có phản ứng màng não.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh viêm VA khiến cơ thể xuất hiện nhiều dấu hiệu và biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động của người bệnh nên người bệnh nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường của bệnh hãy đến gặp bác sĩ  để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm VA

Nguyên nhân gây bệnh viêm VA chủ yếu do:

  • Virus: Adenovirus, Myxovirus, Rhinovirus…
  • Vi khuẩn: Tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A, Haemophilus Influenzae…

Bệnh viêm VA cấp tính không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn với nhiều dấu hiệu và triệu chứng nguy hiểm; sau đó phát triển thành bệnh viêm VA mãn tính.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị viêm VA?

Mọi người, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị viêm VA. Trong đó, trẻ em là đối tượng rất dễ bị viêm VA bởi VA chưa phát triển hết.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm VA

Bác sĩ tiến hành khám lâm sàng như quan sát hốc mũi, khám vòm mũi. Nếu hốc mũi đầy nhầy khiến quan sát khó thì hút sạch mũi nhầy trong hốc mũi, đặt thuốc làm co niêm mạc mũi có thể nhìn thấy tổ chức VA ở nóc vòm phủ bởi lớp mủ nhầy.

Khám niêm mạc để thấy biểu hiện niêm mạc đỏ, một lớp nhầy trắng, vàng phủ trên niêm mạc thành sau họng từ trên vòm chảy xuống.

Khám tai nhằm quan sát màng nhĩ và những dấu hiệu bất thường như: xám đục, hơi lõm vào do tắc vòi nhĩ.

Dùng tay sờ hạch nhỏ ở góc hàm, rãnh cảnh, có khi cả ở sau cơ ức đòn chũm, hơi đau, không có hiện tượng viêm quanh hạch.

Soi cửa mũi bằng gương chuyên dụng để xem VA ở vòm mũi họng sưng đỏ, to có mủ nhầy phủ lên trên.

Phương pháp điều trị viêm VA hiệu quả

Thông thường, bác sĩ thực hiện phương pháp điều trị viêm VA bằng:

Điều trị nội khoa:

  • Giữ vệ sinh răng miệng.
  • Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng.
  • Giữ vệ sinh mũi, họng: rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối 9%, súc họng bằng nước sạch sau khi ăn.
  • Phối hợp dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, sinh tố theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị ngoại khoa:

Nạo VA là một phẫu thuật nhẹ nhàng, có thể tiến hành nhanh gọn trong vài phút, ít gây biến chứng, thời gian hậu phẫu ngắn. Nhờ sự phát triển của y học hiện đại nên việc nạo VA dễ dàng, thời gian ngắn, không chảy máu. Tuy nhiên, VA có nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết để tạo ra sức đề kháng, miễn dịch cho cơ thể, do đó không nên nạo VA rộng rãi. Chỉ được nạo VA khi:

  • VA quá to, gây khó thở và viêm mũi thường xuyên.
  • VA quá to, gây nghe kém, viêm tai giữa cấp.
  • Có một trong các biến chứng sau: Viêm amidan, viêm thanh quản cấp, rối loạn tiêu hóa, chậm phát triển.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm VA

VA có nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết để tạo ra sức đề kháng, miễn dịch cho cơ thể, vậy nên chúng ta nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ gây bệnh bằng cách:

  • Thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh để tạo hệ miễn dịch kháng bệnh cho cơ thể.
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên, vệ sinh tai – mũi – họng đúng cách.
  • Uống nhiều nước ấm, hạn chế sử dụng đồ lạnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh.
  • Cho trẻ bổ sung đủ chất và vitamin cần thiết.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan