Vôi hoá sụn khớp

Tìm hiểu chung

Vôi hóa sụn khớp là gì?

Sụn khớp là lớp mô trong suốt, vừa cứng vừa bền dai nhưng lại đàn hồi tốt. Sụn đóng vai trò như lớp đệm bảo vệ, giúp giảm chấn động và tránh sự cọ xát giữa hai đầu xương khi khớp cử động.

Vôi hóa sụn khớp là hiện tượng lắng đọng canxi ở mô sụn có thể thấy ở hình ảnh chụp X-quang. Bệnh lý này biểu hiện bằng những đợt viêm đau dẫn tới tổn thương đầu xương sụn khớp.

Người ta chia vôi hóa sụn khớp thành hai thể:

  • Thể nguyên phát: Chiếm phần lớn trường hợp, đôi khi có tính chất gia đình.
  • Thể thứ phát: Sau khi mắc một số bệnh như cường tuyến cận giáp, nhiễm thiết huyết tố, đái tháo đường, bệnh gút, suy tuyến giáp.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của vôi hóa sụn khớp

Theo các nghiên cứu của các chuyên gia, bẹnh vôi hóa sụn khớp thường được biểu hiện dưới những dấu hiệu, triệu chứng sau:

Triệu chứng vôi hóa sụn khớp thể giả gout: Thể giả gout tức là có những biểu hiện như bệnh guot nhưng không phải bệnh gout. Một số khớp như khớp gối, khớp cổ chân, khớp cột sống bắt đầu xuất hiện những đợt viêm cấp, sưng đau đột ngột, mệt mỏi, nhiều khi sốt cao. Qua xét nghiệm có thể thấy lượng acid uric trong máu ở mức bình thường chứ không phải mắc gout.

Triệu chứng vôi hóa sụn khớp thể đa khớp: Triệu chứng của vôi hóa sụn khớp là những đợt viêm đau dữ dội kéo dài ở nhiều khớp nhỏ và có tính chất đối xứng, có các triệu chứng giống viêm khớp dạng thấp khác như như cứng khớp, sưng khớp, nổi hạt dưới da, đau mỏi toàn thân, da xanh, ăn ngủ kém…

Triệu chứng vôi hóa sụn khớp thể giống hư khớp: Ở thể này, người bệnh thường có các biểu hiện đau nhức khớp, có thể nghe tiếng lục cục, lắc rắc trong khớp, hạn chế vận động ngày càng tăng ở một vài khớp.

Triệu chứng vôi hóa sụn khớp ở các thể khác: Một số thể khác như thể tràn dịch khớp, thể tràn máu khớp, thể phá hủy khớp (thấy có tổn thương bào mòn, phá hủy một phần đầu xương làm lệch trục, biến dạng khớp), thể có nhiều dị vật trong ổ khớp, thể cột sống. Ở các thể này có thể thấy được hình ảnh vôi hóa đĩa đệm và dây chằng quanh cột sống.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến vôi hóa sụn khớp

Theo các nghiên cứu, bệnh vôi hóa sụn khớp xuất hiện khi các tinh thể Canxi pyrophotphat trong khớp nhiều lên theo tuổi tác. Bên cạnh đó, một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng còn những người khác thì không.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc vôi hóa sụn khớp?

Đây là bệnh lý dễ gặp ở người cao tuổi. Vì tuổi càng cao, các khớp xương dễ bị thoái hóa nên dễ phát bệnh hơn so với người trẻ. Tỷ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới và thường phát bệnh vào độ tuổi từ 35 trở đi.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán vôi hóa sụn khớp

Hiện nay chụp X-quang là một trong những phương pháp xét nghiệm nhanh và hiệu quả nhất. Các vị trí vôi hóa sụn khớp có thể quan sát trên phim chụp X-quang:

  • Khớp gối (90%): Hình cản quang thành một đường song song với lớp xương dưới sụn và nằm ở khoảng giữa, cách xương 3 – 4 cm. Trên phim chụp nghiêng, đường cản quang thấy ở lồi cầu xương đùi tạo hình 2 đường viền. Lắng đọng canxi có thể thấy ở sụn chêm (hình tam giác), ở túi dưới cơ tứ đầu đùi của bao hoạt dịch khớp gối.
  • Cột sống: Canxi lắng đọng tạo nên cản quang cả ở phần vòng xơ và phần nhân nhầy, đoạn lưng – thắt lưng thấy nhiều hơn các đoạn khác.
  • Khớp cổ tay: Cản quang ở các khe giữa xương tháp và bán nguyệt, giữa mặt dưới xương trụ và xương bán nguyệt.
  • Khớp vai: Hình chỏm xương cánh tay hai đường viền.
  • Khớp háng và các khớp khác: Đều có thể thấy nhưng ít gặp hơn.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm chẩn đoán vôi hóa sụn khớp bằng cách lấy dịch khớp để xét nghiệm liệu bạn có bị vôi hóa sụn khớp thực sự hay không. Sự xuất hiện tinh thể Canxi pyrophotphat ở dịch khớp, đó là những tinh thể hình gậy hai đầu vuông góc, ngắn, có thể lưỡng triết quang, nằm ở trong và ngoài tế bào hoặc có nhiều bạch cầu đa nhân trung tính.

Phương pháp điều trị vôi hóa sụn khớp hiệu quả

Đối với cơn viêm cấp, bạn sẽ được điều trị bằng thuốc. Sử dụng thuốc Colchicin uống từ 2 – 3 mg/ngày trong vài ngày, hoặc sử dụng các thuốc chống viêm không steroid.

Đối với ngoài cơn cấp, sẽ tùy từng trường hợp mà có cách xử lý khác nhau:

  • Thể đa khớp, hư khớp: Dùng các thuốc chống viêm không steroid, tiêm Steroid tại chỗ.
  • Thể phá hủy xương: Sử dụng điều trị nội khoa kết hợp điều trị ngoại khoa (ghép khớp nhân tạo).
  • Thể thứ phát: Điều trị nguyên nhân với các thể thứ phát gây ra căn bệnh này.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của vôi hóa sụn khớp

Bệnh vôi hóa sụn khớp có thể dễ dàng gặp ở người cao tuổi. Vì vậy đối với người mắc bệnh phải có lối sống tích cực, lạc quan, tránh stress, căng thẳng lo âu ảnh hưởng đến tâm lý. Ngoài ra, phải có chế độ ăn uống phù hợp.

Với người bệnh điều trị bằng thuốc, phải sử dụng theo đúng liều lượng của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc hoặc uống thêm thuốc khi không có sự cho phép của bác sĩ.

Nên đến phòng khám nếu cơ thể bắt đầu xuất hiện những triệu chứng đau khác trên cơ thể để kịp thời chữa trị.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan