Ebola

Bệnh Ebola hay bệnh sốt xuất huyết Ebola là bệnh có tính truyền nhiễm cao, nguy hiểm gây chết người hàng loạt do virus có tên Ebola (Ebola virus disease) gây ra. Virus Ebola xâm nhập vào cơ thể gây ra các tổn thương về hệ miễn dịch và các cơ quan khác; làm giảm các yếu tố đông máu nên khiến cơ thể chảy máu không ngừng và không kiểm soát được.

Tìm hiểu chung

Ebola là gì?

Bệnh Ebola hay bệnh sốt xuất huyết Ebola là bệnh có tính truyền nhiễm cao, nguy hiểm gây chết người hàng loạt do virus có tên Ebola (Ebola virus disease) gây ra. Virus Ebola xâm nhập vào cơ thể gây ra các tổn thương về hệ miễn dịch và các cơ quan khác; làm giảm các yếu tố đông máu nên khiến cơ thể chảy máu không ngừng và không kiểm soát được.

Bệnh Ebola rất dễ lây nhiễm, phát triển thành dịch và đe dọa đến mạng người. Theo thống kê, khoảng 90% số người nhiễm Ebola đã tử vong.

Bệnh Ebola được phát hiện lần đầu tại những bản làng hẻo lánh khu vực Trung và Tây Phi, gần rừng nhiệt đới. Virus Ebola xuất hiện lần đầu tại Sudan và Cộng hòa Công Gô vào năm 1976. Tại Công Gô, virus được phát hiện ở một ngôi làng ven sông Ebola, vì vậy người ta đặt tên là virus Ebola.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Ebola

Bệnh Ebola xuất hiện các triệu chứng đột ngột trong vòng 5 – 10 ngày sau khi nhiễm virus Ebola như:

  • Sốt;
  • Đau đầu, nhức đầu;
  • Đau nhức cơ khớp;
  • Cơ thể mệt mỏi và ớn lạnh.

Các triệu chứng này gần giống với các bệnh liên quan đến cúm, cảm lạnh thông thường. Sau đó, các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm:

  • Sốt cao, vết nổi ban to ra;
  • Đau bụng, tiêu chảy (có thể tiêu chảy ra máu);
  • Mắt đỏ;
  • Đau ngực, hay ho;
  • Sụt cân;
  • Chảy máu trong bụng, chảy máu từ nhiều nơi trên cơ thể, ví dụ những mảng bầm máu dưới da, chảy máu từ mắt, tai, hậu môn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh Ebola có diễn biến bất thường, mức độ lây lan và nguy hiểm cao nên bạn cần đến bệnh viên, cơ sở y tế để được chẩn đoán, xét nghiệm và chăm sóc kịp thời khi có những triệu chứng nghi ngờ do nhiễm virus Ebola; phòng tránh trường hợp bệnh trở nặng và lây nhiễm thành dịch.

Trường hợp bạn vừa tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc đi đến vùng đang có dịch cũng nên đi khám để phòng ngừa kịp thời.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Ebola

Bệnh Ebola do virus Ebola gây ra. Virus được tìm thấy ở loài khỉ, tinh tinh cũng như các loài linh trưởng khác ở châu Phi. Một chủng loại của Ebola cũng đã được phát hiện ở loài khỉ và lợn tại Philippines.

Bệnh có tính lây truyền từ động vật sang người thông qua những con đường sau:

  • Máu bị nhiễm Ebola khi bạn giết mổ hay ăn thịt động vật.
  • Tiếp xúc với phân hoặc nước tiểu của dơi sống trong các hang động đã bị nhiễm bệnh.
  • Những người bị nhiễm bệnh có xuất hiện triệu chứng dễ lây nhiễm bệnh cho người khác khi tiếp xúc.
  • Nhân viên y tế dễ mắc bệnh khi chăm sóc người bệnh, thực hiện phẫu thuật.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh Ebola?

Bệnh Ebola hiếm gặp nhưng trầm trọng nhất là khu vực Châu Phi. Ngày nay, bệnh xuất hiện ở nhiều khu vực trên thế giới, mọi đối tượng, lứa tuổi đều dễ mắc bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Ebola, bao gồm:

  • Đi du lịch, làm việc tại vùng dịch.
  • Nghiên cứu trên động vật. Các nhà nghiên cứu có nhiều khả năng bị nhiễm virus Ebola nếu họ thực hiện nghiên cứu trên động vật, cụ thể là những con khỉ được nhập khẩu từ châu Phi hay Philippines.
  • Chăm sóc hoặc tiếp xúc người bị bệnh Ebola như người thân trong gia đình, nhân viên y tế,…
  • Mai táng thi thể của những người đã chết vì Ebola vẫn có thể truyền bệnh.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Ebola

Bệnh Ebola có các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu giống như các bệnh khác, chẳng hạn như thương hàn và bệnh sốt rét nên rất khó trong việc chẩn đoán bệnh ngay từ đầu. Vậy nên, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân bệnh như:

  • Xét nghiệm máu để xác định virus.
  • Xét nghiệm Elisa.
  • Xét nghiệm PCR.

Phương pháp điều trị bệnh Ebola hiệu quả                   

Bệnh Ebola vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chỉ có một số phương pháp điều trị thử nghiệm chống lại sự phát triển, lây lan như phá hủy các tế bào đã nhiễm virus.

Bác sĩ thường chỉ định giảm và kiểm soát triệu chứng bệnh bằng:

  • Truyền dịch và cung cấp chất điện giải.
  • Thở oxy.
  • Thuốc điều chỉnh huyết áp.
  • Truyền máu.
  • Điều trị các bệnh nhiễm trùng khác.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Ebola

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Không nên tiếp xúc với người khác để tránh lây bệnh cho họ.
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác. Sau khi dùng khăn giấy phải bỏ vào một túi riêng và đem bỏ ngay.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Hãy đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị kịp thời nếu có nghi ngờ tiếp xúc hay nhiễm virus Ebola để thoát được các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
  • Sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh nên chủ động đến bệnh viện để được xét nghiệm và theo dõi
  • Hạn chế đi đến những khu vực có dịch để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh. Trong trường hợp phải đi, hãy tự trang bị những kiến thức và vật dụng cần thiết cho bản thân nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan