Cong vẹo cột sống

Tìm hiểu chung

Bệnh cong vẹo cột sống là gì? 

Cột sống của con người có vai trò rất quan trọng, có 3 đường cong tự nhiên tạo thành hình chữ S: Ở cổ, lưng và thắt lưng. Nhìn từ phía sau, cột sống khỏe mạnh nằm trên 1 đường thẳng. Nó là khung xương chính nâng đỡ và cố định cơ thể, là chỗ dựa vững chắc cho các cơ quan phát triển bình thường, bảo vệ tủy sống và giảm sốc cho não bộ. Nhờ có cột sống, mọi hoạt động của cơ thể con người mới diễn ra bình thường bao gồm: quay sang trái, quay sang phải, cúi hoặc ưỡn, nhún nhảy một cách dễ dàng, tạo cho cơ thể nhiều tư thế khác nhau.

Với người bị vẹo cột sống, người khác nhìn từ phía sau sẽ thấy cột sống nghiêng bất thường sang một bên. Độ cong vẹo càng cao, những bất thường ngày càng nhiều, thậm chí có thể làm biến dạng ngoại hình, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng di chuyển, hoạt động bình thường của cơ thể con người.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị cong vẹo cột sống

Hầu hết tất cả mọi người đều nhận thấy sự thay đổi trong tư thế của mình khi mắc phải bệnh cong vẹo cột sống. Nếu mắc phải các dấu hiệu dưới đây nghĩa là bạn đang có nguy cơ mắc bệnh cong vẹo cột sống:

  • Hai vai dốc không đều, bên cao bên thấp;
  • Xương bả vai nhô ra, khoảng cách từ mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không đồng đều;
  • Đối với trẻ bị vẹo cốt sống, khi trẻ đứng sẽ thấy vai xệ một bên, lồng ngực nhô lên một bên;
  • Khung xương sườn không đối xứng;
  • Khi quan sát trong gương, đầu bị lệch hẳn sang một bên.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cong vẹo cột sống không còn là chứng bệnh xa lạ với mọi người. Nhưng không phải ai cũng biết rõ về căn bệnh này; ngay cả khi mắc các dấu hiệu trên, người bệnh vẫn mang tâm lý chủ quan, không đến khám và chữa trị kịp thời, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Chính vì vậy, khi mắc một trong các dấu hiệu trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe. Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống. Có nhiều trẻ em khi sinh ra đã bị cong vẹo cột sống bẩm sinh. Một số trẻ em khác bị cong vẹo cột sống do ngồi, đi đứng quá sớm hoặc mắc các bệnh về thần kinh, bệnh cơ, bị chấn thương, thể trạng kém hoặc ít hoạt động thể thao, chế độ dinh dưỡng kém, lao động sớm.
Bên cạnh đó, những nguyên nhân sau cũng là lý do hàng đầu dẫn đến cong vẹo cốt sống:

  • Ngồi học sai tư thế, bàn học không phù hợp với chiều cao;
  • Mang cặp sai tư thế, cặp quá nặng;
  • Yếu tố di truyền;
  • Chiều dài chân không đồng đều.

Có đến 75% dị tật cột sống không rõ nguyên nhân.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị cong vẹo cột sống? 

Bệnh cong vẹo cột sống xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Nhưng vẫn thường gặp nhất ở trẻ em. Vì khi còn nhỏ, trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để bảo vệ cột sống nên dễ dàng mắc phải căn bệnh này.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cong vẹo cột sống

Một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán cong vẹo cột sống như chụp X-quang, MRI, CT scane vùng cột sống để biết rõ về hình dạng cột sống cũng như hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân gây tình trạng cong vẹo như vẹo do tổn thương tuỷ sống, do dính một bên đốt sống, hay các dị dạng khác như u thần kinh.

Phương pháp điều trị cong vẹo cột sống hiệu quả

Việc điều trị sớm có tầm quan trọng đặc biệt nhằm ngăn chặn sự biến dạng cột sống dẫn tới biến dạng tư thế, khung chậu, thậm chí ảnh hưởng tới khả năng hô hấp và tuần hoàn. Đối với trường hợp vẹo cột sống nhẹ thì không cần điều trị, chỉ cần có phương pháp thay đổi tư thế. Tuy nhiên, những trường hợp nặng phải nhờ đến y tế can thiệp:

  • Chỉnh hình đôi – nẹp: Một lựa chọn cho trẻ chưa thành niên bị vẹo cột sống. Tuy nhiên, phương pháp này không đảm bảo hiệu quả 100%. Trong một số trường hợp, nẹp chỉ có thể ngăn chặn tình trạng trở nên xấu đi hoặc trì hoãn phẫu thuật.
  • Phẫu thuật: Hầu hết các trường hợp nặng đều cần phẫu thuật. Trong thời gian phẫu thuật, không nên cử động mạnh ảnh hưởng đến cột sống.
  • Phương pháp Chiropractic tác động bằng tay lên cột sống. Sau đó kết hợp phương pháp điều trị các nhóm cơ xung quanh cột sống bằng thiết bị tăng động trị liệu ATM.
  • Vật lí trị liệu là một phương pháp kết hợp để định hình lại hình dạng và chức năng cột sống. Chữa trị vẹo cột sống cần rất nhiều sự kiên nhẫn của bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh nên cố gắng kiên trì điều trị và tập luyện cột sống theo hướng dẫn bác sĩ.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cong vẹo cột sống

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về các bài tập thể dục nhẹ nhàng có thể hỗ trợ đình hình lại dáng của cột sống.
  • Sau điều trị, bạn cũng cần thay đổi tư thế, đặc biệt khi ngồi để tránh bệnh tái diễn.
  • Không nên làm các công việc hoặc cử động mạnh ảnh hưởng đến cột sống, ví dụ như gập người, ngồi cong lưng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Để phòng cong vẹo cột sống cần:

  • Luôn giữ đúng tư thế chuẩn, nhất là khi ngồi.
  • Có chế độ ăn uống phù hợp.
  • Tăng cường rèn luyện thể dục thể thao cho các bắp thịt, các tổ chức liên kết, dây chằng các khớp khỏe, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối.
  • Sử dụng hàng ngày hoặc thành từng đợt (tùy theo độ tuổi) các sản phẩm có chứa các thành phần như canxi, vitamin D, MK7, chondroitin sulfat,… giúp tăng tái tạo xương, tái tạo mô sụn, hạn chế nguy cơ giảm mật độ xương và loãng xương.
  • Đối với trẻ em, đây là độ tuổi rất dễ bị cong vẹo cột sống do trẻ chưa ý thức sâu về tác hại của việc ngồi sai tư thế. Phụ huynh nên chú ý quan sát, nhắc nhở và tập cho trẻ thói quen đi, đứng, ngồi đúng tư thế.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan