Trật khớp

Tìm hiểu chung

Trật khớp vai là gì?

Trật khớp vai là tình trạng hai mặt khớp của chỏm xương cánh tay bị trật ra khỏi hốc xương. Đây là loại trật khớp phổ biến nhất trong các loại trật khớp, thường gặp ở người lớn trẻ khỏe chiếm khoảng 50 – 60 % tổng số trường hợp. Trật khớp vai thường là trật về trước, sau hoặc đi xuống dưới; trật một phần hoặc hoàn toàn. Nguyên nhân dẫn đến trật khớp thường là do té ngã, khiến các dây chằng bị giãn hoặc đứt, không giữ cố định được phần khớp vai.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của trật khớp vai 

Dấu hiệu trật khớp vai rất dễ nhìn thấy. Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất đó là sưng và đau nhức tại vùng bị trật khớp. Ngoài ra, trật khớp vai còn có các biểu hiện sau:

  • Khớp vai đau mạnh thậm chí không cử động được do bị trật ra khỏi vị trí khiến việc phối hợp hoạt động với các nhóm cơ không đồng bộ.
  • Sờ vào vai có thể thấy hõm khớp rỗng, tay bị đau bị cố định ở một tư thế, nếu cử động tay sang hướng khác sẽ rất đau.
  • Trật khớp kèm theo gãy xương có thể gây tê liệt dây thần kinh cảm giác và vận động ở cánh tay.
  • Các cơ bắp ở vai có thể bị co thắt, cơn đau trở nên dữ dội.
  • Bằng mắt thường có thể nhìn thấy vai bị trật biến dạng, sưng, bầm tím.

Khi trật khớp vai bạn cần làm gì?

Khi trật khớp vai bạn cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Hạn chế di chuyển  hoặc cử động

Việc đầu tiên khi bị trật khớp vai là hạn chế di chuyển hoặc cử động khớp vai để tránh tạo thêm lực lên khớp, gây tổn thương khớp, các nhóm cơ, dây chằng, dây thần kinh và các mạch máu quanh khớp vai có thể bị ảnh hưởng nặng hơn lúc ban đầu.

Bước 2: Cố định khớp vai

Dùng băng vải cố định khớp vai nhằm nâng đỡ khớp bị tổn thương, giúp người bệnh đỡ đau và thoải mái hơn.

Bước 3: Chườm lạnh

Chườm lạnh bằng cách cho đá hoặc nước lạnh vào túi chườm và chườm lên vùng khớp vai để làm dịu nhanh cơn đau và giảm sưng hiệu quả.

Lưu ý: Không nên chườm nóng, bóp muối, xoa rượu thuốc, dùng mật gấu để giảm đau vì các phương pháp này không giúp giảm đau khớp vai mà có thể khiến các mạch máu, dây thần kinh bị tổn thương hơn.

Bước 4: Đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.

Trật khớp vai không quá nguy hiểm nhưng sau khi thực hiện sơ cứu bằng các phương pháp trên bạn nên đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để được kiểm tra và điều trị, giúp phục hồi chức năng của khớp vai nhanh chóng. Không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Điều này rất nguy hiểm và sẽ ảnh hưởng đến xương khớp sau này nếu không được điều trị đúng cách.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến trật khớp vai

Khớp vai là khớp có tầm hoạt động rộng và lớn nhất so với các khớp khác trong cơ thể nên là khớp dễ bị trật nhất. Bình thương, khớp vai được giữ cố định và bao bọc bởi các dây chằng. Nếu bị một lực nào đó tác động trực tiếp lên phía trước hoặc phần trên cùng của vai, dây chằng có thể bị giãn và gây trật khớp vai.

Một số nguyên nhân gây ra trật khớp vai, bao gồm:

  • Chấn thương khi chơi thể thao: Trong các môn thể thao như bóng đá, khúc côn cầu và các môn thể thao dễ té ngã, chẳng hạn như trượt tuyết đổ đèo, thể dục và bóng chuyền… rất dễ bị trật khớp vai.
  • Va chạm đột ngột: Bị vật nặng rơi trúng vai, va đập mạnh trong tai nạn giao thông dễ gây trật khớp vai.
  • Té ngã: Ngã chống tay, đập vai khiến vùng vai bị ảnh hưởng trực tiếp, chẳng hạn như ngã trên sàn nhà do trơn trượt, ngã từ cầu thang…
  • Ngoài ra, chống khuỷu trong tư thế tay dạng, đưa ra sau, và xoay ngoài cũng là những nguyên nhân gây nên trật khớp vai.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị trật khớp vai?

Trật khớp vai xảy ra ở mọi đối tượng. Theo nghiên cứu, nam giới thường dễ bị trật khớp vai hơn nữ giới và độ tuổi xảy ra thường là độ tuổi lao động. Thiếu niên hoặc thanh niên vận động nhiều sẽ có nguy cơ cao nhất bị trật khớp vai. Ngoài ra, người cao tuổi cũng là đối tượng dễ bị trật khớp vai bởi tuổi càng cao, quá trình lão hóa diễn ra nhanh, xương yếu và giòn hơn bình thường.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chuẩn đoán trật khớp vai

Để chẩn đoán trật khớp vai, bác sĩ sẽ kiểm tra các khu vực bị ảnh hưởng, khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng của bệnh nhân. Nếu nghi ngờ bị trật khớp, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng (MRI) để quan sát rõ hơn những tổn thương ở khớp và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp với người bệnh.

Phương pháp điều trị trật khớp vai hiệu quả

Hiện nay, trật khớp vai có thể điều trị được. Một trong những phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay là nắn lại xương. Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành nắn sớm và gây mê cho mềm cơ để dễ nắn.

Với trường hợp nặng hơn, người trật khớp vai phải phẫu thuật để chỉnh lại cấu trúc xương. Bạn có thể cần phải phẫu thuật nếu một khớp vai hay dây chằng yếu và có xu hướng mắc lại trật khớp vai dù đã phục hồi và tăng cường chức năng. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bạn sẽ cần phẫu thuật nếu dây thần kinh hoặc mạch máu bị tổn thương.

Sau khi nắn xương hoặc phẫu thuật, bạn có thể sẽ phải bó bột khớp vai trong khoảng từ 3 – 4 tuần để hạn chế các cử động cho khớp, giúp khớp mau liền lại.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của trật khớp vai

Bạn cần uống, xoa thuốc cho khớp vai đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng thuốc khác khi không có sự đồng ý của bác sĩ.

Sau khi khớp đã phục hồi trở lại không nên vận động mạnh ngay mà nên nghỉ ngơi một thời gian phù hợp. Tránh tình trạng khớp còn yếu và có thể bị tổn thương trở lại nếu hoạt động mạnh. Di chuyển và cử động khớp vai nhẹ nhàng, các hoạt động sinh hoạt thường ngày cũng nên chú ý để tránh va chạm lên khớp.

Bên cạnh đó, người bệnh cần giảm hoạt động vai: bạn đừng lặp lại những hành động gây trật khớp và cố gắng tránh cử động gây đau đớn. Hạn chế nâng vật nặng hoặc đưa tay lên quá đầu cho đến khi vai cải thiện

Sau một hoặc hai ngày, người bệnh nên thực hiện những bài tập nhẹ nhàng theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để giúp duy trì phạm vi chuyển động của vai. Việc cố định vai quá lâu có thể làm các khớp xương cứng. Ngoài ra, vai bất động trong một thời gian dài có thể dẫn đến cứng khớp, khiến vai rất khó di chuyển. Một khi lành vết thương và hoạt động vai bình thường, bạn cần tiếp tục tập thể dục nhẹ hằng ngày như vươn vai hoặc xoay nhẹ vai giúp tăng cường độ dẻo dai và ngăn ngừa trật khớp tái phát. Bác sĩ hoặc nhà trị liệu vật lý có thể giúp bạn lập kế hoạch tập thể dục thích hợp.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan