Viêm mũi

Tìm hiểu chung

Viêm mũi là gì?

Viêm mũi hay còn gọi là sổ mũi là trạng thái mũi bị kích thích và viêm màng nhầy bên trong mũi. Viêm mũi có 2 loại chính là viêm mũi xuất tiết và viêm mũi do vi khuẩn. Viêm mũi được biểu hiện cấp hay mạn tính.

Viêm mũi cấp tính nếu không điều kịp dứt điểm sẽ chuyển thành viêm mũi mạn tính gây ra tình trạng bệnh viêm tai giữa, mất khả năng khứu giác, thậm chí bệnh hen suyễn.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mũi

Người mắc bệnh viêm mũi sẽ xuất hiện các triệu chứng thông thường như:

  • Cảm giác nghẹt mũi;
  • Chảy nước mũi, hắt hơi;
  • Xuất hiện đờm trong họng.

Ngoài ra, một số triệu chứng về:

Viêm mũi cấp tính:

  • Người bệnh có cảm giác ớn lạnh xương sống, nổi gai ốc, nóng rát trong mũi khi thở ra, nhức đầu mệt mỏi, kém ăn, có thể sốt cao, nóng rát trong mũi, họng, giọng nói mũi kín,…
  • Khám niêm mạc mũi đỏ rực, sưng nề, xung huyết dữ dội, chảy mũi có màu đục, đặc dần, đôi khi nhợt nhạt và khô hơn bình thường… Các triệu chứng toàn thân giảm dần, ổn định sau vài ngày.
  • Chảy mũi do virus cúm sẽ gây ra các biến chứng cho đường hô hấp, tiêu hóa kém, nôn mửa,… nặng hơn là các biến chứng: viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm thận, viêm cơ.

Viêm mũi mạn tính:

Viêm mũi gây triệu chứng ngạt một bên, sau đó ngạt liên tục cả 2 bên. Dịch nhầy dai, dính, ít mủ sau đó phát triển xuống họng, chuyển thành viêm họng.

Bệnh khiến cho bệnh nhân đằng hắng, nói giọng mũi kín, chảy nước mắt, có thể có viêm túi lê, nhức đầu mất ngủ. Do đó, người bệnh sẽ trải qua các giai đoạn:

  • Xung huyết đơn thuần: Tình trạng ngạt liên tục cả ngày khiến niêm mạc mũi, cuốn mũi to, đỏ, đôi khi tím bầm.
  • Xuất tiết: Chảy mũi, nhầy, mủ; chảy hàng tháng, ngạt mũi thường xuyên.
  • Quá phát: Tắc mũi liên tục, tình trạng tắc ngày càng tăng, đặt các loại thuốc co mạch không còn tác dụng, nói giọng mũi kín, thở miệng nên thành viêm họng mạn tính, giảm hoặc mất khứu giác, xuất tiết ít dần.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh có những dấu hiệu bệnh như trên (đặc biệt là trẻ em) nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm mũi

Người bệnh bị viêm mũi bởi nhiều nguyên nhân:

  • Thay đổi thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột, nhiều lần trong ngày khiến niêm mạc mũi không thích nghi kịp mà bị kích thích dẫn đến viêm mũi.
  • Tiếp xúc trực tiếp với không khí ô nhiễm, khói bụi, chất thải.
  • Do virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển và xâm nhập gây viêm mũi, viêm đường hô hấp.
  • Người bệnh lạm dụng quá nhiều thuốc nhỏ mũi trong thời gian dài khiến niêm mạc mũi bị xơ hóa cũng rất dễ dẫn đến xung huyết, phù nề niêm mạc.
  • Bệnh do bệnh khác liên quan như viêm VA, amidan, viêm họng.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị viêm mũi?

Viêm mũi là bệnh phổ biến, xảy ra ở nhiều lứa tuổi, giới tính. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.

Yếu tố làm tăng nguy cơ viêm mũi, bao gồm:

  • Thay đổi thời tiết, không giữ ấm cơ thể.
  • Tiếp xúc thường xuyên với môi trường ô nhiễm.
  • Hút thuốc, sử dụng chất kích thích.
  • Tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn, virus từ bụi bẩn, nấm mốc, lông động vật.
  • Điều trị bệnh không đúng cách như cảm, viêm họng.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm mũi

Chẩn đoán viêm mũi qua triệu chứng, quan sát bệnh lý của người bệnh kết hợp xét nghiệm:

  • Xét nghiệm da để phát hiện kháng thể dị ứng với bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, thuốc, hóa chất, lông vũ, lông súc vật, huyết thanh.
  • Phết tế bào mũi.
  • Định lượng IgE toàn phần.

Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán là cơ sở để bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó hướng dẫn, chỉ định điều trị hợp lý, tốt nhất cho người bệnh.

Phương pháp điều trị viêm mũi hiệu quả

Điều trị viêm mũi bằng cách:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn chỉ định của bác sĩ.
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, không khí bẩn.
  • Vệ sinh mũi sạch bằng dung dịch nước muối sinh lý.
  • Giữ ấm cơ thể.
  • Trị dứt điểm các bệnh lý liên quan.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm mũi

  • Tăng hệ miễn dịch, sức đề kháng.
  • Bảo vệ sức khỏe khi trời lạnh, thay đổi thời tiết.
  • Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc bụi bẩn, khí thải, vi khuẩn.
  • Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc, không hút thuốc lá.
  • Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên, sạch sẽ.
  • Uống nhiều nước, ăn đủ chất.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ bao gồm cả thuốc xịt mũi, rửa mũi,… Nên sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi, súc miệng.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Lối sống sinh hoạt lành mạnh.
  • Luôn để nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.
  • Hạn chế tiếp xúc với động vật, thú cưng, thuốc diệt chuột, gián hay các chất dễ gây dị ứng.
  • Đồ đạc trong gia đình phải gọn gàng; không tạo điều kiện cho ẩm mốc, mối mọt phát sinh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan