Lao cột sống

Tìm hiểu chung

Lao cột sống là gì?

Lao cột sống là một bệnh nhiễm trùng do vi trùng lao, do đó luôn có những biểu hiện về nhiễm trùng, nhiễm độc. Bệnh có thể xảy ra sau khi mắc bệnh lao phổi, lao hạch và cũng có thể xuất phát từ cột sống.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của lao cột sống

Lao cột sống chủ yếu gây tổn thương ở đĩa đệm và thân đốt sống, rất ít khi gây tổn thương ở cung sau.

Bệnh có các biểu hiện liên quan về nhiễm trùng, nhiễm độc như:

  • Mệt mỏi, chán ăn, gầy sút;
  • Sốt về chiều;
  • Dấu hiệu liên quan đến cột sống như: đau tại chỗ đốt sống bị tổn thương. Sau đó, cơn đau sẽ lan theo rễ thần kinh tương ứng. Đau có xu hướng tăng dần và đau nhiều khi đi lại, mang vác vật nặng, thậm chí khi ho hay hắt hơi.
  • Khi nằm, sờ vào cột sống nơi có điểm đau thì người bệnh sẽ bị đau nhói.
  • Bị đơ cột sống và hạn chế vận động, các cơ vùng cạnh cột sống bị co cứng.

Bệnh có tính nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát khiến đĩa đệm và cột sống sẽ bị phá hủy nặng thêm, đồng thời tạo thành ổ áp-xe lạnh quanh vùng bị tổn thương. Người bệnh sẽ cảm thấy những cơn đau liên tục; đốt sống bị tổn thương sẽ lồi ra phía sau làm cột sống bị lệch, vẹo và hạn chế vận động.

Khi nào nên cần gặp bác sĩ?

Bệnh lao cột sống nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, hệ thần kinh và các hoạt động của người bệnh như:

  • Liệt hai chi dưới, liệt ngoại vi và mất cảm giác ở hai chi dưới.
  • Rối loạn cơ vòng gây tiêu tiểu không tự chủ, rối loạn dinh dưỡng nặng nề ở hai chi dưới gây teo cơ.

Vậy nên, khi có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến lao cột sống

Lao cột sống do vi khuẩn lao gây ra, là một loại bệnh thứ phát chỉ xuất hiện khi cơ thể đã bị lao tiên phát (thường là lao phổi); đôi khi sau cả một lao thứ phát khác, như bệnh lao đường tiết niệu – sinh dục. Đường truyền từ ổ lao tiên phát sang lao cột sống là đường máu.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh lao cột sống?

Bệnh lao nói chung là căn bệnh có khả năng truyền nhiễm cao nên ai cũng có thể mắc bệnh. Nhất là những người có hệ miễn dịch suy yếu, rất dễ để vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể qua đường không khí.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lao cột sống

Bệnh lao cột sống khó nhận biết và chẩn đoán lâm sàng qua triệu chứng, bệnh cần có kết quả xét nghiệm cụ thể. Người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm:

  • Chụp X-quang cột sống: Để thấy rõ tổn thương lao. Hình ảnh từ ảnh chụp X-quang thể hiện rõ đĩa đệm bị hẹp lại (nếu ở giai đoạn muộn thì các thân đốt sống dính sát lại với nhau), bờ thân đốt sống phía trên và dưới đĩa đệm bị phá hủy tạo hang lao, thân đốt sống bị xẹp, mỏm gai của đốt sống bị ảnh hưởng lồi ra phía sau và làm cho cột sống bị vẹo, người bệnh bị gù lưng.
  • Xét nghiệm máu: Xem tốc độ lắng máu tăng.
  • Chọc kim cạnh cột sống dễ tìm thấy tổn thương lao điển hình.
  • Chọc dịch não tủy để chẩn đoán ép tủy và viêm màng não tuỷ.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp chẩn đoán phân biệt bệnh lao cột sống với các bệnh về ung thư, khối u, viêm cột sống.

Phương pháp điều trị lao cột sống hiệu quả

Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau như:

Điều trị nội khoa:

  • Sử dụng thuốc chống lao theo chỉ định bác sĩ đồng thời tuân thủ nguyên tắc: điều trị sớm, phối hợp tối thiểu 3 loại thuốc chống lao trong 3 tháng, sau đó giảm 1 loại thuốc trong 6 – 12 tháng tiếp theo.
  • Theo dõi tình trạng bệnh, các tổn thương hay tác dụng phụ của thuốc.
  • Kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân còn thực hiện các biện pháp điều trị phục hồi chức năng như:

  • Xoa bóp nhẹ nhàng các cơ kèm tập luyện vừa phải để tránh teo cơ, cứng khớp.
  • Hạn chế vận động mạnh, khi hết dấu hiệu viêm nên bắt đầu vận động cột sống từ từ và tăng dần.

Khi gặp các vấn đề bất động:

  • Dùng giường bột để bệnh nhân có thể thay đổi tư thế nhiều lần trong ngày.
  • Nếu tổn thương nặng ở cột sống có di lệch nhiều đe dọa chèn ép thì cần bó bột. Những tổn thương nhẹ, được chẩn đoán và điều trị sớm thì không cần.

Điều trị ngoại khoa:

Thực hiện điều trị ngoại khoa khi bệnh nhân mắc lao cột sống có nguy cơ chèn ép tủy hoặc đã ép tủy, lao có ổ áp-xe lạnh tại chỗ hoặc khi điều trị nội bị thất bại.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lao cột sống

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Hạn chế các hoạt động thể lực nặng, tránh khuân vác vật nặng, tránh các động tác thể dục thể thao có tác động đến cột sống.
  • Nghỉ ngơi thường xuyên và có thể dùng thêm thuốc giảm đau.
  • Giữ vệ sinh tốt chỗ tiêu tiểu để tránh nhiễm trùng.
  • Xoay trở thường xuyên để tránh bị loét do nằm lâu.
  • Nên nắn bóp, tập co duỗi thụ động chi bị liệt, tránh để chân co quắp và cứng khớp do bất động lâu ngày, gây khó khăn rất nhiều cho việc phục hồi hoạt động, đi lại sau này.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, bia rượu.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan