Nhiễm khuẩn Chlamydia

Tìm hiểu chung

Nhiễm khuẩn Chlamydia là bệnh gì?

Nhiễm khuẩn Chlamydia là tình trạng nhiễm khuẩn do Chlamydia trachomatis – một vi khuẩn nội tế bào gây ra. Đây là một bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục. Bệnh có sự tiến triển và biểu hiện lâm sàng gần giống bệnh lậu nhưng thường biểu hiện kín đáo hơn.

Đối với bệnh nhiễm khuẩn Chlamydia, phụ nữ thường bị tái nhiễm nếu người bạn tình của họ không được điều trị. Sự tái nhiễm đặt người phụ nữ vào tình thế mắc bệnh cao hơn với các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản, bao gồm cả việc bị vô sinh.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm khuẩn Chlamydia

Nhiễm khuẩn Chlamydia có ít nhất 50% trường hợp không có biểu hiện gì đặc biệt, dễ bị bỏ qua. Thời gian ủ bệnh khoảng 5 – 15 ngày. Bệnh có thể xảy ra ở cơ quan sinh dục hoặc một bộ phận bất kỳ của cơ thể, với biểu hiện giống nhau ở cả nam và nữ là đau rát khi đi tiểu.

Ngoài ra, ở phụ nữ còn có các triệu chứng sau đây:

  • Tiết dịch âm đạo bất thường: Nếu phụ nữ nhận thấy tiết dịch ở âm đạo bất thường, dịch nhiều, đặc, có mùi, thay đổi màu sắc thì nên đi khám sớm vì không loại trừ khả năng bị nhiễm Chlamydia.
  • Đi tiểu bỏng rát hoặc đau khi giao hợp.
  • Chảy máu âm đạo bất thường, hoặc chảy máu khi quan hệ, cảm giác đau bụng. Nếu cảm giác đau ở gan thì có thể là bạn đã bị nhiễm Chlamydia.
  • Đau vùng chậu, lúc này lây nhiễm Chlamydia đã liên quan đến tử cung và ống dẫn trứng.

Còn nam giới có thể có các triệu chứng sau:

  • Tiết dịch niệu đạo: Nước dịch ra từ niệu đạo có khi rất ít hoặc vừa phải, buổi sáng ra nhiều hơn, có thể trong, nhày, màu trắng hoặc nâu vàng.
  • Chảy mủ ở dương vật, vào sáng sớm khi vuốt nhẹ từ gốc dương vật đi ra tầm khoảng 10 lần sẽ thấy giọt dịch mủ chảy ra.
  • Đau nhức, căng tức tinh hoàn, thời kỳ đầu cơn đau thoáng qua, càng về sau càng đau nhiều hơn ở cả 2 bên tinh hoàn.
  • Đi tiểu khó, ngứa hoặc buốt dọc niệu đạo. Có thể không có triệu chứng rõ rệt.

Thời gian ủ bệnh khá dài từ 7 – 21 ngày trái lại với bệnh lậu chỉ 3 – 5 ngày. Triệu chứng nghèo nàn nên dễ nhầm với bệnh lậu mạn tính.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm khuẩn Chlamydia

Đối với nam giới: Biến chứng chủ yếu là viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn, do đó có thể gây vô sinh.

Đối với nữ giới: Biến chứng thường gặp là viêm tiểu khung (bao gồm viêm vòi trứng, buồng trứng, viêm phúc mạc chậu hông), viêm nội mạc tử cung, những biến chứng này chẳng những có thể gây vô sinh mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng (đặc biệt là viêm phúc mạc tiểu khung).

Ngoài ra, bệnh có thể gây nhiễm trùng mắt, viêm tuyến tiền liệt, trực tràng và gây nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh. Trẻ có thể bị các bệnh về phổi hoặc về mắt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhiễm khuẩn Chlamydia là một căn bệnh xã hội nhiều nguy hiểm bao gồm cả vô sinh, suy giảm đời sống tình dục và những đau đớn cho người bệnh. Khả năng lây nhiễm của vi khuẩn Chlamydia rất cao cho bạn tình và những người xung quanh khi vô tình tiếp xúc trực tiếp hoặc với các vật dụng có nhiễm virus.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh, bạn nên đến bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời.  Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn Chlamydia

Nhiễm khuẩn Chlamydia do một loại vi khuẩn có tên Chlamydia trachomatis gây ra. Bệnh tương tự như bệnh lậu, tức là chỉ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, dù là quan hệ qua âm đạo, hậu môn, miệng. Ngoài ra chúng còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi sinh.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ nhiễm khuẩn Chlamydia?

Nhiễm khuẩn Chlamydia là bệnh lây nhiễm qua con đường quan hệ tình dục, do sự tiếp xúc trực tiếp từ chất dịch của người bệnh. Do đó Khả năng nhiễm Chlamydia cao thường là những người có các yếu tố sau:

  • Quan hệ tình dục không an toàn, bao gồm cả quan hệ tình dục không dùng dụng cụ bảo vệ và quan hệ với người lạ hay với nhiều người.
  • Người hành nghề mại dâm.
  • Người sử dụng chung kim tiêm vưới người khác.
  • Thai nhi có mẹ bị nhiễm bệnh.
  • Sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhiễm khuẩn Chlamydia

Để xét nghiệm Chlamydia, mẫu sẽ được lấy từ cổ tử cung hoặc niệu đạo và gửi tới phòng xét nghiệm. Hoặc có thể xét nghiệm bằng các phương pháp sau:

  • Gạc nuôi cấy. Đối với phụ nữ, bác sĩ có thể làm gạc nuôi cấy dịch tiết ở cổ tử cung. Đối với nam giới, bác sĩ có thể luồn một gạc nhỏ vào gốc dương vật để lấy mẫu từ niệu quản. Ở một số trường hợp, bác sĩ có thể lau hậu môn để xét nghiệm về sự có mặt của Chlamydia.
  • Xét nghiệm nước tiểu. Mẫu nước tiểu được phân tích trong phòng xét nghiệm có thể cho biết sự hiện diện của nhiễm trùng này.

Phương pháp điều trị bệnh nhiễm khuẩn Chlamydia hiệu quả

Bệnh nhân khi phát hiện nhiễm khuẩn Chlamydia, bác sĩ thường kê đơn kháng sinh như azithromycin (Zithromax), erythromycin, tetracyclin hoặc doxycyclin. Nếu nhiễm khuẩn Chlamydia không có biến chứng, bệnh sẽ khỏi sau từ 1 – 2 tuần điều trị. Nếu bệnh đi kèm với biến chứng, bạn phải điều trị cả các biến chứng kèm theo nên mất nhiều thời gian hơn.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm khuẩn Chlamydia

Một số lưu ý trong quá trình điều trị:

  • Không quan hệ tình dục khi điều trị vì bạn sẽ làm lây qua bạn tình và ngược lại.
  • Không uống rượu bia khi điều trị.
  • Bạn tình hoặc bạn đời của bạn cũng cần điều trị mặc dù họ có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng.
  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Sử dụng bao cao su đúng cách trong mỗi lần quan hệ tình dục.
  • Hạn chế bạn tình. Có nhiều bạn tình làm cho bạn có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn Chlamydia hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
  • Đến bác sĩ để kiểm tra nếu có tiết dịch âm đạo hoặc dương vật, đau khi đi tiểu, đái buốt hay đái rắt.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh.
  • Nếu nhiễm khuẩn Chlamydia và đang có thai, bạn nên thông báo ngay với bác sĩ để tầm soát việc trẻ gặp biến chứng do khuẩn Chlamydia khi sinh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan