Nhiễm Nocardia

Tìm hiểu chung

Nhiễm Nocardia là bệnh gì?

Bệnh nhiễm Nocardia là một bệnh nhiễm trùng từ các vi khuẩn. Các vi khuẩn có dạng sợi và ái khí, các vi khuẩn sẽ gây rối loạn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống), phổi hoặc da. Bệnh thường xuất hiện ở những người suy giảm miễn dịch, hoặc dùng corticoid dài ngày.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm Nocardia

Bệnh nhiễm Nocardia có các triệu chứng lâm sàng gần giống lao phổi, với các biểu hiện:

  • Sốt;
  • Mệt mỏi;
  • Gầy sút cân;
  • Ho ra máu;
  • Đau ngực khi thở (có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ );
  • Đổ mồ hôi đêm;
  • Vết loét hoặc nốt nhiễm trùng đôi khi lan rộng dọc theo các hạch bạch huyết.

Một số người nhiễm khuẩn Nocardia sẽ không có triệu chứng.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm Nocardia

Các biến chứng của bệnh nhiễm Nocardia phụ thuộc vào thể trạng của người bệnh, vùng nhiễm của cơ thể. Một số biến chứng của bệnh:

  • Nhiễm trùng phổi.
  • Khó thở mãn tính.
  • Nhiễm trùng da gây biến dạng.
  • Áp-xe não có thể dẫn đến mất chức năng thần kinh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm Nocardia

Nhiễm khuẩn Nocardia là một bệnh nhiễm vi khuẩn từ đất nhưng thường bắt đầu trong phổi. Khuẩn Nocardia sống ở trong đất và cây, cỏ mục, nhất là gỗ mục. Chúng gây bệnh cho người và động vật như chó, trâu, bò, ngựa, dê, cừu khi xâm nhập vào cơ thể bằng đường hô hấp hoặc qua vết thương hở.

Bệnh thường gặp ở người bị bệnh phổi mãn tính hoặc suy giảm hệ miễn dịch (ung thư, HIV/AIDS, cấy ghép phẫu thuật, dùng thuốc steroid trong thời gian dài).


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ nguy cơ nhiễm Nocardia?

Đây là một bệnh hiếm gặp nhưng bất cứ ai cũng có khả năng nhiễm phải. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khi người bệnh hít phải bụi có chứa vi khuẩn Norcadia. Bệnh có thể nhiễm khuếch tán đến bất cứ bộ phận nào trong cơ thể.

Ngoài ra, bệnh dễ gặp ở những người bị suy giảm hệ miễn dịch như:

  • Người từng ghép tạng hoặc tủy.
  • Người bị nhiễm HIV.
  • Người bị ung thư phổi, não.
  • Mắc các bệnh về gan, phổi.
  • Đang dùng thuốc steroid hoặc đã dùng trong thời gian dài.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhiễm Nocardia

Khi có các triệu chứng trên và người bệnh có các yếu tố như từng được ghép tạng, hệ thống miễn dịch suy giảm hoặc bị ung thư phổi, não thì sẽ có khả năng cao bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, để có được những chẩn đoán chính xác, người bệnh sẽ được cho làm các xét nghiệm. Bác sĩ sẽ lấy mô ở vùng cơ thể bị ảnh hưởng (phổi, não, da…) và tiến hành xét nghiệm tìm ra khuẩn Norcadia. Ngoài ra, một số xét nghiệm khác có thể được sử dụng bao gồm:

  • Chụp CT cắt lớp
  • Nội soi phế quản
  • Nuôi cấy đờm

Phương pháp điều trị bệnh nhiễm Nocardia hiệu quả

Nhiễm Nocardia thường được điều trị bằng kháng sinh và thường kéo dài trong 6 tháng đến 1 năm hoặc lâu hơn tùy thuộc vào vị trí nhiễm bệnh và mức độ ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe. Chẳng hạn:

  • Nhiễm Nocardia ảnh hưởng đến phổi: Dùng kháng sinh trong 6 đến 12 tháng.
  • Nhiễm Nocardia ảnh hưởng đến não: Dùng thuốc kháng sinh trong 12 tháng.
  • Nhiễm Nocardia ảnh hưởng đến da hoặc mô mềm: Dùng thuốc kháng sinh trong 2 đến 4 tháng.

Trong trường hợp các hạch có mủ hoặc u hạch tạo nên ổ áp-xe thì bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để lấy mủ ra.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm Nocardia

Hiện tại chưa có vắc-xin phòng ngừa nhiễm khuẩn Nocardia, do đó bạn nên tạo những thói quen giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn:

  • Có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích.
  • Tránh giẫm đạp lên gai, mảnh gỗ mục, không để phân trâu, bò, dê, cừu, ngựa dính vào các vết xước da.
  • Nên tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe.
  • Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc khi không có sự chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê. Bệnh nhiễm trùng có thể tái phát nếu điều trị không đủ lâu và đúng cách.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan