Nhiễm Echinococcus

Tìm hiểu chung

Nhiễm Echinococcus là gì?

Nhiễm Echinococcus hay còn gọi là nhiễm sán dây nhỏ, sán dây chó. Bệnh sán dây chó (Echinococcus) gặp ở nhiều nơi trên thế giới như Australia, Tasmania, New Zealand, Nam Phi, Bắc Phi, Nam Mỹ, châu Âu và châu Á. Hiện tại, ở Việt Nam trường hợp bị nhiễm Echinococcus còn rất hiếm.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm Echinococcus

Khi nhiễm sán dây, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng sau:

  • Nhiễm độc;
  • Dị ứng;
  • Đau bụng;
  • Đau ngực;
  • Ho kéo dài;
  • Sụt cân;
  • Vàng da (da và lòng trắng mắt vàng);
  • Sốt;
  • Phân có máu;
  • Nhức đầu;
  • Co giật.

Ngoài ra, tùy vào từng vị trí ấu nang sán khu trú mà sẽ có những triệu chứng đặc trưng.

  • Ở gan có thể chèn ép ống dẫn mật gây vàng da.
  • Ở tim trái vỡ, các đầu sán di chuyển lên não lách, thận, gan, buồng tim phải, đầu sán di chuyển lên phổi.
  • Ở thận gây đau lưng, tiểu máu.
  • Ở lách làm đau cạnh sườn và xương sườn gồ lên.
  • Trong đốt xương sống có thể gây tổn thương tủy sống.
  • Ở các xương làm xương trở nên xốp, dễ gãy.
  • Khi bướu vỡ thường làm cho người bệnh ngứa, nổi mề đay, nhiệt độ cơ thể tăng giảm thất thường, rối loạn tiêu hóa, khó thở, tím tái, ngất, hôn mê.
  • Nếu chất dịch trong bướu vào máu có thể gây sốc phản vệ.
  • Khi người hoặc các động vật khác ăn hay nuốt phải trứng sán, vào đến tá tràng ấu trùng được giải phóng ra và chui vào thành ruột, theo tĩnh mạch, bạch mạch vào hệ thống đại tuần hoàn đi khắp cơ thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh có thể gây tử vong nên khi bạn phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên thì cần đến gặp các bác sĩ ngay lập tức. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm Echinococcus

Sán dây chó (Echinococcus) trưởng thành dài 3 – 6 mm gồm 3 – 4 đốt. Ấu trùng ký sinh ở các cơ quan nội tạng trong cơ thể vật chủ (thường là con vật họ chó), các bọc nước này thường ở gan (65%), ở phổi (10%) và ở một số cơ quan khác như thận, não. Khi bọc nước vỡ, giải phóng các đầu sán và các đầu sán này bám vào phủ tạng khác tạo nên bọc nước mới.

Sau một thời gian ký sinh và phát triển trong ruột vật chủ, sán chó tự động di chuyển ra ngoài hậu môn và bị vỡ làm trứng sán tung ra khắp nơi, dễ dàng lây nhiễm cho các vật chủ phụ khác như cừu, trâu, bò, ngựa, dê, lợn. Trong đó, cừu là vật chủ phụ chủ yếu còn người là vật chủ phụ tình cờ.

Trứng của loài sán này theo phân chó ra ngoài có thể sống từ vài tuần đến vài tháng trong đất, cỏ, rau.

Khi con người ăn rau sống hoặc vuốt lông chó, trứng sán dính vào tay và xâm nhập vào cơ thể người, cư trú tại phổi, gan, lách, não. Tại đây trứng lớn dần thành ấu nang dạng bướu. Bướu phát triển đủ độ có đường kính từ 1 – 7 cm, chứa tới hơn 2 triệu đầu sán.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ nhiễm Echinococcus?

Bất kì ai cũng có nguy cơ nhiễm Echinococcus khi ăn phải thực ăn hoặc tiếp xúc với động vật đã bị nhiễm khuẩn.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, bao gồm:

  • Các hộ gia đình có nuôi chó, hoặc gia súc như dê, cừu, bò.
  • Ăn phải rau sống bị ô nhiễm phân chó và ruồi.
  • Ăn phải những phủ tạng của gia súc có sừng bị nhiễm ấu trùng.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm Echinococcus

Dựa vào bệnh sử và các triệu chứng lâm sàng mà bác sĩ có thể đưa ra những phán đoán ban đầu về bệnh. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác nhất, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm để có kết quả. Các phương pháp được áp dụng:

  • Chụp X-quang, chụp CT hoặc siêu âm phát hiện được nang sán.
  • Xét nghiệm máu ghi nhận bạch cầu ái toan tăng từ 20 đến 25% hoặc chẩn đoán huyết thanh miễn dịch đặc hiệu sán chó cho kết quả dương tính là những dấu hiệu chỉ điểm, định hướng quan trọng cho việc chẩn đoán bệnh.

Phương pháp điều trị nhiễm Echinococcus hiệu quả

Điều trị bệnh nhiễm Echinococcus bằng phương pháp dùng thuốc để tiêu diệt giun sán hay tiêm kháng nguyên vào cơ thể tạo hệ miễn dịch để các nang sán từ từ tiêu biến.

Tuy nhiên, có những trường hợp, phẫu thuật được áp dụng cho những nang sán có thể mổ được và bóc nguyên cả nang sán.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Nhiễm Echinococcus hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa. Do đó, cần phải áp dụng các biện pháp sau để hạn chế nhiễm Echinococcus:

  • Không ăn rau sống chưa được rửa kỹ.
  • Rửa tay sau khi vuốt lông chó, mèo, thú cưng, nhất là trước khi chế biến thức ăn.
  • Ăn chín uống sôi.
  • Xử lý phân đúng quy trình, không đổ phân ra nguồn nước và không dùng phân tươi của động vật để bón cho cây trồng.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan