Uốn ván

Tìm hiểu chung

Uốn ván là bệnh gì?

Uốn ván (hay còn gọi là phong đòn gánh) là bệnh nhiễm khuẩn do một loại vi khuẩn có tên Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn này có thể sống khắp mọi nơi, chúng gây bệnh cho người chủ yếu qua vết thương hở. Khi bị uốn ván, các thần kinh bị nhiễm khuẩn sẽ bị tê liệt và mất chức năng vận hành các cơ bắp hoạt động. Uốn ván mặc dù không lây nhiễm nhưng lại có khả năng gây tử vong cao nếu không được điều trị. Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh uốn ván.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị uốn ván

Bệnh khởi phát trung bình sau 7 ngày nhiễm trùng từ các vết thương. Có 2 hiện tượng uốn ván:

Uốn ván toàn thân (loại phổ biến nhất):

  • Tăng trương lực cơ;
  • Co cứng cơ ở một số bộ phần hoặc toàn thân;
  • Các cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở hàm, cổ, vai, lưng, bụng trên, tay và đùi;
  • Cơ mặt bị ảnh hưởng sẽ làm mặt nhăn lại;
  • Xuất hiện các cơn co giật;
  • Có thể xuất hiện rối loạn hệ thần kinh.

Các triệu chứng trên có thể xuất hiện ở mức độ nhẹ, vừa và nặng. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể co giật dữ dội và ngưng thở.

Uốn ván cục bộ (thường ít gặp, xảy ra xung quanh vết thương):

  • Rối loạn chức năng một hoặc nhiều dây thần kinh sọ;
  • Triệu chứng xuất hiện ở khu vực gần vết thương.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Uốn ván là trường hợp nhiễm khuẩn đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm. Bệnh gây tỉ lệ tử vong cao hoặc để lại các biến chứng nặng nề như:

  • Viêm phổi
  • Gãy xương
  • Vỡ cơ, loét do nằm và ly giải cơ vân

Vì vậy khi bạn bị trầy xước hoặc xuất hiện các vết thương hở thì cần phải sơ cứu ngay lập tức, nếu bị nặng thì nên đến cơ sở y tế để được sơ cứu và tiêm ngừa uốn ván. Ngoài ra, khi bạn phát hiện bản thân hoặc người thân có các triệu chứng vừa nêu trên, thì hãy nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh uốn ván

Vi khuẩn Clostridium tetani chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh uốn ván. Vi khuẩn này có mặt ở mọi nơi nhưng được tìm thấy chủ yếu ở trong đất. Chúng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở trên da và bắt đầu sinh sôi, tạo ra độc tố bám vào đuôi các sợi thần kinh khiến sợi thần kinh ấy bị tổn thương. Những cơ bắp hoạt động dưới sự chỉ huy của các dây thần kinh này khi không nhận được tín hiệu hóa học sẽ trở nên tê liệt, co giật, thậm chí gây ngưng thở dẫn đến tử vong.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh uốn ván?

Bất kì ai cũng có nguy cơ bị uốn ván do vi khuẩn Clostridium tetani có mặt ở nhiều nơi như trong đất, cát bụi, phân người và động vật, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kĩ, đinh sắt bị gỉ sét,…

Đa phần bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván là nam giới, tập trung ở lứa tuổi thanh niên và trung niên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ uốn ván, bao gồm:

  • Chưa từng tiêm vắc-xin phòng ngừa.
  • Có vết thương do đạn bắn, bị vật nhọn đâm phải, bỏng, động vật cắn… và không được khử trùng.
  • Có vết loét bị nhiễm trùng ở chân.
  • Người làm vườn, làm việc ở các trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc và gia cầm, người dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại, công nhân xây dựng các công trình có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh do bị nhiễm trùng khi cắt dây rốn.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán bệnh uốn ván

Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên:

  • Các dấu hiệu lâm sàng.
  • Hỏi về tiền sử tiếp xúc.
  • Kiểm tra vết thương có bị nhiễm trùng hay không.
  • Khám cơ bắp và thần kinh để tìm kiếm biểu hiện khác thường.
  • Lấy mẫu bệnh phẩm từ vết thương để làm xét nghiệm tìm vi khuẩn uốn ván. Hoặc bạn cũng có thể được chỉ định xét nghiệm máu.

Phương pháp điều trị bệnh uốn ván hiệu quả

Nguyên tắc điều trị:

  • Xử lý, sát trùng vết thương, loại bỏ các mô chết để tránh nhiễm trùng.
  • Diệt trừ vi khuẩn, khử độc tố với thuốc kháng sinh.
  • Ngăn ngừa các cơn co cứng và phòng biến chứng.

Điều trị hỗ trợ:

  • Nếu bệnh nhân khó thở, bị cứng hàm, khó nuốt thì có thể mở khí quản có kết hợp hoặc không kết hợp với thở máy.
  • Tăng cường dinh dưỡng bằng truyền dịch hoặc cho ăn qua ống thông vào dạ dày.
  • Cho người bệnh tập vật lý trị liệu để các cơ được hoạt động bình thường trở lại.
  • Theo dõi chức năng của thận, bàng quang và ruột; phòng chống chảy máu và loét đường tiêu hóa.

Các thuốc dùng trong điều trị uốn ván, bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn uốn ván.
  • Tiêm globulin miễn dịch với uốn ván để giải độc.
  • Dùng thuốc an thần hay diazepam để giảm các cơ co giật.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh uốn ván

Thời gian điều trị uốn ván thường kéo dài từ 3 – 4 tháng, và để hồi phục hoàn toàn thì có thể phải mất một khoảng thời gian lâu hơn. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân theo sự chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, thường xuyên tập vật lí trị liệu để các cơ không bị co cứng và hồi phục nhanh hơn. Đồng thời, liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Để phòng ngừa uốn ván bạn cần:

  • Tiêm phòng vắc- xin uốn ván. Với trẻ nhỏ nên tiêm từ tháng thứ 2 của trẻ. Ở người lớn nên tiêm nhắc lại sau khoảng 10 năm. Phụ nữ mang thai cũng nên tiêm ngừa uốn ván để phòng bệnh cho cả mẹ và con khi sinh. Ngay cả người từng bị uốn ván vẫn sẽ có thể mắc lại do không có miễn dịch.
  • Khi bị thương, trầy xước bởi đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay với xà phòng diệt khuẩn. Nếu sau khi bị thương bạn nghi ngờ bị uốn ván, cũng cần tiêm vắc xin để dự phòng.
  • Giữ vết thương sạch sẽ, tránh nhiễm trùng.
  • Phụ huynh nên nhớ lịch tiêm ngừa uốn ván của trẻ nhỏ để bé miễn dịch kịp thời.
  • Khi phát hiện các triệu chứng nên đến các bệnh viện để kiểm tra và điều trị đúng bệnh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan