Nhiễm giun đũa

Tìm hiểu chung

Nhiễm giun đũa là bệnh gì?

Nhiễm giun đũa là bệnh nhiễm trùng do một loại giun tròn gây ra. Chúng có kích thước lớn, hình dạng như que đũa, có thể quan sát được bằng mắt thường. Giun đũa thường kí sinh trong ruột non. Nhiễm giun đũa là bệnh rất phổ biến, đặc biệt ở trẻ em. Có đến 1/4 dân số trên thế giới bị nhiễm giun, nhất là ở các nước đang phát triển.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị nhiễm giun đũa

Người bệnh khi nhiễm giun đũa thường sẽ cảm thấy khó chịu trong người, sốt, chán ăn, tiêu chảy, sụt cân và thấy giun xuất hiện trong phân. Ngoài ra, các triệu chứng sẽ có những biến đổi theo khu vực giun khu trú và số lượng giun đũa người bệnh mắc phải.

  • Giai đoạn ấu trùng ở phổi: Gây kích thích dị ứng trong phổi làm tổn thương mao mạch và phế nang, làm cho bệnh nhân bị sốt nhẹ, ho khan, khạc đờm lẫn máu, thở khò khè, khó thở và đau sau xương ức.
  • Giun ký sinh ở ruột: Nếu chỉ có số lượng ít giun trưởng thành trong ruột thì không gây triệu chứng. Nhưng khi nhiễm nhiều giun, sẽ có các triệu chứng giống như loét dạ dày tá tràng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp nhiễm quá nhiều giun, các búi giun có thể gây tắc ruột, xoắn ruột, lồng ruột hoặc tử vong. Ở bệnh nhân bị mắc bệnh thương hàn, giun đũa có thể xuyên thủng thành ruột. Bệnh nhân có thể khạc hay nôn ra giun qua mũi, miệng hoặc giun chui ra từ hậu môn.
  • Giun chui vào ống mật, ống tụy: Gây viêm đường mật, viêm túi mật, áp – xe gan do vi khuẩn, viêm tụy hoặc vàng da tắc mật.
  • Nếu ấu trùng đi lạc vào não, thận, mắt, tủy sống… sẽ gây ra các triệu chứng liên quan đến các cơ quan này.

Biến chứng có thể gặp khi bị nhiễm giun đũa

Khi lượng giun đũa quá lớn sẽ gây ra các biến chứng sau:

  • Suy dinh dưỡng: Trẻ em bị nhiễm giun đũa rất có nguy cơ bị suy dinh dưỡng do giun đũa chiếm đoạt các chất dinh dưỡng trong cơ thể người bệnh.
  • Giun đũa gây tắc ruột, xoắn ruột, lồng ruột.
  • Giun chui vào ống mật gây tắc ống dẫn mật, viêm túi mật, vàng da do ứ mật, áp xe gan, tắc ruột.
  • Giun chui vào ống tuỵ dẫn đến viêm tuỵ cấp hoặc bán cấp.
  • Giun gây viêm màng bụng do giun làm thủng ruột.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng đã nêu trên thì bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun đũa

Nguyên nhân gây bệnh là do một loại giun tròn có tên khoa học là Ascaris lumbricoides. Trứng giun đũa ở trong phân người bị nhiễm không làm lây bệnh (trực tiếp) sang người khác. Trứng giun khi xâm nhập ra môi trường bên ngoài, nhất là ở nhiệt độ nóng ẩm thì sau 1 – 2 tuần chúng sẽ nở thành ấu trùng có khả năng gây bệnh lây bệnh. Trong điều kiện độ ẩm thích hợp, khả năng lây bệnh của chúng có thể kéo dài từ 1 – 2 năm sau đó.

Người mắc bệnh giun đũa là do ăn tiếp xúc với nguồn nước, thực phẩm bẩn hoặc tay chạm vào nơi có lẫn các ấu trùng này; đặc biệt là khi ăn rau sống bị vấy bẩn bởi phân bón hoặc nước tưới có phân. Những ấu trùng khi vào tới ruột non của người sẽ di chuyển xuyên qua thành ruột vào trong hệ thống tĩnh mạch tới tận tĩnh mạch chủ dưới, rồi qua tim phải để tới phổi, ấu trùng sẽ lưu lại 10 ngày trong các mao mạch quanh phế nang, rồi theo đường hô hấp di chuyển ngược lên trên để tới họng (hầu), và người bị nhiễm ấu trùng lại nuốt chúng xuống hệ tiêu hoá. Giun sinh sôi và phát triển ở đây rồi đi ra theo đường phân.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị nhiễm giun đũa?

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm giun đũa, nhưng trẻ em thường dễ gặp nhất. Trẻ nhỏ dễ mắc phải do chơi ở khu vực có ấu trùng giun. Người nhiễm giun đũa thường có thói quen ăn sống, uống nước lã chưa đun sôi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun đũa, bao gồm:

  • Trẻ em có nguy cơ nhiễm giun đũa hơn người lớn, đặc biệt là trẻ em vùng nông thôn.
  • Khí hậu ẩm: loại giun đũa thường phát triển trong điều kiện khí hậu ẩm, đặc biệt là các nước khí hậu nóng ẩm như Việt Nam.
  • Xử lý phân, rác không đúng quy trình.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhiễm giun đũa

Các bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm giun đũa bằng cách:

Xét nghiệm phân:

Dựa vào các triệu chứng trên, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm phân để kiểm tra có ấu trùng giun đũa trong phân hoặc giun trưởng thành chui ra qua đường mũi hoặc miệng hay không.

Xét nghiệm máu:

Giun đũa có khả năng làm tăng số lượng bạch cầu ái toàn trong máu. vì vậy, khi xem nghiệm máu có thấy lượng bạch cầu ai toan tăng và kết hợp với triệu chứng của bệnh nhân thì có thể xác định nhiễm giun đũa.

Chẩn đoán hình ảnh:

Các hình thức kiểm tra bằng hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang, MRI các bộ phận nghi ngờ thì có thể phát hiện được giun.

Phương pháp điều trị nhiễm giun đũa hiệu quả

Bệnh nhân khi phát hiện nhiễm giun đũa sẽ được bác sĩ kê thuốc chống ký sinh trùng. Một số loại thuốc thường dùng để trị giun đũa như albendazol, pyrantel pamoat, mebendazol, levamisol, piperazin đều có thể được bác sĩ kê đơn điều trị.

Trong trường hợp bệnh chuyển biến xấu như gây lồng ruột, tắc ruột, tắc ống dẫn mật,… có thể được đề nghị phẫu thuật để gắp giun ra khỏi cơ thể và kết hợp dùng thuốc.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Một số biện pháp phòng ngừa:

  • Tuyên truyền giáo dục phòng chống bệnh nhiễm giun đũa.
  • Nên ăn chín uống sôi, hạn chế sử dụng các thực phẩm chưa qua chế biến.
  • Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với môi trường bẩn.
  • Cắt móng tay thường xuyên để trẻ không thể cắn móng tay.
  • Hướng dẫn trẻ em rửa tay trước khi ăn uống hay sau khi tiếp xúc với đồ chơi.
  • Tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần, đặc biệt là trẻ em từ 2 – 12 tuổi.
  • Khi có dấu hiệu bị nhiễm giun, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan